Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Thừa thách thức, thiếu triển vọng


Không sở hữu công nghệ nguồn và công nghệ cốt lõi - chủ yếu chỉ tận dụng nhân công rẻ để gia công phần mềm - đầu tư nhiều hơn nhưng kết quả kém hơn - liên tục trong nhiều năm không đạt mục tiêu... Thực trạng trên đang cho thấy ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) của VN đang tụt dốc.

Trong khi đó, VN lại vẫn đang đặt mục tiêu xa vời là trở thành "cường quốc về CNTT".

Thực trạng đáng buồn

Ngay từ năm 2000, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Có thể nói, đây chính là "kim chỉ nam" cho việc phát triển CNTT nước nhà, trong đó có CNPM của VN. Chỉ thị này đặt mục tiêu: Sau 5 năm CNPM phát triển, hình thành định hướng xuất khẩu PM; nguồn nhân lực CNTT phát triển nhanh, đa dạng trong đào tạo...

Tuy nhiên đến năm 2007 khi thực hiện tổng kết 5 năm, điều "đau lòng" mà chính giới CNTT VN phải thừa nhận, nói ra và chấp nhận là: Mục tiêu "Trình độ và hiệu quả ứng dụng CNTT đạt mức trung bình các nước trong khu vực đã không đạt. Thậm chí, trình độ CNTT của VN đã bị xếp vào hàng tụt hậu xa so với một số nước ASEAN và mức trung bình của thế giới".

Riêng đối với ngành CNPM, mục tiêu "500 triệu USD sản lượng PM, trong đó có 200 triệu USD xuất khẩu" cũng thất bại thảm hại. Cụ thể đến thời hạn như kế hoạch, CNPM của VN chỉ đạt tương ứng là 45% của số tiền 500 triệu USD. Còn đối với xuất khẩu, CNPM của VN chỉ đạt được tỉ lệ là 35% trong số 200 triệu USD như đề ra.

Tuy nhiên, sự "lạc quan tếu" của ngành CNPM vẫn diễn ra trong hầu hết các năm tiếp theo. Năm 2006, "cột mốc" 500 triệu USD tiếp tục thất bại khi hệ thống DN và toàn ngành CNPM của VN chỉ chinh phục được con số 300 triệu USD, trong đó xuất khẩu PM đạt được 90 triệu USD. Một lần nữa, Hiệp hội DNPM VN (VINASA) lại phải thừa nhận rằng: CNPM của VN chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa xứng với kỳ vọng và... phải chờ đợi sự đột phá.

Tiếp đó đến năm 2007, trong khi nền kinh tế thế giới khởi sắc, thậm chí và phát triển nóng; CNPM của VN trong năm này được hứa hẹn bởi hàng loạt các gói đầu tư lớn từ các tập đoàn lớn vào VN. Thế nhưng, dù đã hết sức cố gắng, mức độ tăng trưởng 30% đã thực sự trở thành con số ấn tượng. Tuy nhiên, CNPM của VN một lần nữa lại phải ngậm ngùi với con số 498 triệu USD. Như vậy tức là sau 3 năm, mục tiêu 500 triệu USD doanh thu từ CNPM vẫn chưa đạt được.

GSC - VN-ict.jpg


Tổng kết giai đoạn này, ông Phạm Thúc Trương Lương - TGĐ Cty công nghệ tin học Tinh Vân, ông Trần Lương Sơn - Tổng Giám đốc VietSoftware và nhiều DN khác cho rằng: CNPM của VN vẫn chưa tạo ra được một cuộc cách mạng hay là ấn tượng. Nhiều DN đã hy vọng, kỳ vọng, nhưng thực sự đã bị thất vọng.

Báo động tụt dốc

Năm 2008, CNPM của VN đã bắt đầu có dấu hiệu rơi vào sự suy thoái và tụt dốc. Theo nhiều chuyên gia CNTT thì thực sự ngành CNTT cũng như giới CNPM của VN đã rơi vào chủ quan, lơ là và thậm chí là vẫn duy ý chí và "lạc quan tếu". Trên thực tế, trước những đánh giá rất cao về VN như "Con rồng", "Con hổ", "Tốp đầu"... của các tổ chức, DN nước ngoài đã khiến cho VN "ngủ quên" mà không biết rằng các thị trường như Indonesia, Thái Lan, Philippines đang lớn dậy.

Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ mới thực sự là những "Con rồng", "Con hổ" khi các quốc gia này vừa có nhân lực dồi dào, vừa có chiến lược đầu tư và phát triển đúng hướng. Đây cũng chính là những quốc gia đông dân đang cạnh tranh trực tiếp với VN cả về số lượng nhân lực CNTT, cả về giá cả gia công PM và cả về trình độ CNTT cũng như trình độ ngoại ngữ...

CNPM VN đang khủng hoảng thừa nhân lực.
Chính vì thế mà trong năm 2008, thay vì mức độ tăng trưởng hơn 30% từ các năm trước; CNPM của VN tụt dốc và chỉ còn là dưới 20% - tương ứng với doanh thu 600 triệu USD. Thế nhưng, giai đoạn "ngủ quên" này đã di hoạ lâu dài hơn. Tháng 5.2009, ngành CNPM VN thực sự "giật mình" và bắt đầu nhìn nhận, đánh giá lại.

Tại cuộc hội thảo "Thách thức và triển vọng của CNPM VN năm 2009", một "sự thực phũ phàng" là tất cả các DN, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế chìn nhìn thấy thách thức, sự sa sút nghiêm trọng mà không hề thấy được một triển vọng nào.

Theo nhận định của VINASA, năm 2009 này CNPM của VN sẽ chỉ có thể tăng trưởng tối đa 10%. Thậm chí nhiều DN còn bi quan hơn khi cho rằng con số này cũng đã là "lý tưởng". Thế nhưng, điều lo ngại hơn không chỉ ở con số tăng trưởng "bé tí" đó, mà là ở những báo động đỏ.

Cụ thể, hàng loạt dự án CNTT cũng như liên quan đến CNPM bị huỷ bỏ; hàng loạt DN khách hàng và thị trường xuất khẩu.... biến mất; DN thu hẹp sản xuất, buộc phải sa thải nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực sản xuất và kinh doanh "cao cấp", trong khi trước đó dày công đào tạo.

Đặc biệt hơn thế, những đánh giá cao của các các tập đoàn, DN nước ngoài sớm trở thành "đãi bôi" khi mà họ chuyển hướng sang các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ khi các quốc gia này giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Đồng thời, đây là các quốc gia có nguồn nhân lực đạt trình độ cao hơn hẳn VN.

Tại hội thảo, nhiều DN và nhà quản lý đã phải thốt lên rằng: Thực sự nghiệt ngã. Trong khi các DNVN phải thay đổi giảm mục tiêu tăng trưởng 2-3 lần thì Trung Quốc lại tăng trưởng mạnh với gần 30%, đạt doanh số hơn 110 tỉ USD, Ấn Độ cũng tăng gần 25% với doanh thu hơn 52 tỉ USD. Các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Các chuyên gia CNTT và DN cho rằng: CNPM của VN đang thực sự tụt dốc và suy thoái.

Chủ yếu là gia công

Tại Hội thảo "Thách thức và triển vọng 2009 đối với ngành công nghiệp phần mềm VN" (Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam - VINASA - tổ chức), hầu hết các ý kiến cho rằng, những thành công ở các năm trước của công nghiệp phần mềm VN cũng chỉ dừng lại ở những con số báo cáo, chưa có thực chất và có sự tăng trưởng vững chắc về nội lực. Sự thành công đó chủ yếu về mặt gia công sản phẩm từ các đơn hàng nước ngoài.


Trong khi đó những công nghệ nguồn, tăng trưởng nhân lực và nghiên cứu - những vấn đề cốt lõi cho sự tăng trưởng bền vững - thì hầu như không có gì. Thay cho kỳ vọng tăng trưởng 30%-40%, năm 2008, con số này chỉ đạt dưới 20% (với tổng doanh thu xấp xỉ đạt 600 triệu USD, thấp hơn khoảng 100 triệu USD so với mục tiêu đề ra).

(theo Lao động)