Nếu là người mới khởi sự kinh doanh, hẳn bạn sẽ có nhiều điều cần lo nghĩ về việc làm thế nào để đạt được thành công. Thực tế cho thấy, đối với các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, có những nguyên nhân dẫn đến thất bại mà các chủ doanh nghiệp đôi khi không lường trước được.Trong vô số nguyên nhân chủ quan và khách quan đó thì 2 nguyên nhân sau đây sẽ thường gặp nhất:
1. Cạn vốn trước khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững và chi trả cho chính nó.
2. Quản lý yếu kém, bao gồm phương pháp điều hành không thích hợp, phát triển quá nhanh, ra quyết định sai lầm ...
Ngoài ra, 3 “chuyện vặt” khác có thể làm cho rất nhiều chủ doanh nghiệp phải nếm mùi thất bại được nêu dưới đây cũng là những lưu ý rất đáng để bạn tham khảo.
1. Những nguyên tắc cố hữu Từ lúc sinh ra cho đến khi bước sang ngưỡng giữa 20 và 30 tuổi, chúng ta tồn tại trong một môi trường với toàn những nguyên tắc. Khi còn bé, cha mẹ nói với chúng ta những việc nên và không nên làm. Họ thay ta quyết định tất cả mọi việc. Khi chúng ta đến tuổi đi học, thầy cô giáo là người kiểm soát và điều khiển. Chúng ta đến trường vì bị buộc phải làm thế. Khi bạn 12 tuổi, hãy tưởng tượng cha mẹ sẽ nói gì khi bạn nói với họ là bạn muốn nghỉ học 1 ngày? “Con phải đi học, chuẩn bị nhanh nào, bố (mẹ) sẽ đưa con đến trường!”. Chúng ta phải tự lau dọn phòng riêng, không được ra ngoài chơi cùng chúng bạn …
Chúng ta phải làm xong bài tập nếu muốn được chơi điện tử. Điểm xấu ư ? “Vui lòng quỳ gối úp mặt vào tường đi nhé!”. Thậm chí trong những hoạt động ngoại khoá, vui chơi ngoài giờ ở trường, bạn cũng phải tuân theo mệnh lệnh của người phụ trách. Rất hiếm khi bạn tự đưa ra một quyết định nào đó mà chỉ toàn phải tuân theo mệnh lệnh và quyết định của người khác. Bạn thử ngẫm lại xem có đúng không? Trong 12 năm đầu tiên của đời mình, bạn đã tự mình đưa ra được bao nhiêu quyết định? Rõ ràng là không nhiều, đúng không?
Sau khi ra trường, đến một nơi khác sinh sống và tìm được việc làm đầu tiên, bạn cảm thấy sao? “Lạy Chúa, cuối cùng con cũng đã được tự do! Cuối cùng tôi đã được tự do rồi!” – có phải bạn cảm thấy vậy không? Thật ra, thay vì tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ và thầy cô như trước thì bây giờ bạn phải nghe theo cấp trên hay ông chủ của mình. Cứ mãi phải làm theo ý người khác làm bạn khó chịu. Công việc ngập đầu khiến bạn căng thẳng. Muốn vi vu đây đó với bạn bè cũng không được vì “Tôi phải làm việc rồi”. Và điều tệ hại nhất là việc đánh giá nhân viên ở công ty bạn. Họ đánh giá, phê bình nhân viên dựa trên những tiêu chuẩn bạn chẳng thể nào hiểu nổi. Bạn tự hỏi liệu tình trạng này sẽ tiếp tục trong bao nhiêu năm nữa đây?
Thế rồi một ngày đẹp trời nào đó, bạn gạt phăng tất cả và tuyên bố: “Tôi sắp điên rồi ! Tôi không thể nào chịu đựng thêm nữa. Tôi sẽ bắt đầu tự mình kinh doanh và làm chủ của chính mình. Đúng vậy, chẳng còn ai có thể sai bảo tôi được nữa!”.
Và bạn bắt đầu thành lập doanh nghiệp riêng. Giờ thì bạn đã có thể bước thẳng ra từ phòng ngủ là đến được ngay nơi làm việc. Tất cả các quyết định giờ là của bạn, tuỳ thuộc vào bạn. Hôm nay sẽ làm việc hay là đi chơi golf? Bạn có thể làm gì tuỳ thích.
Trong một thời gian ngắn bạn chuyển từ cuộc sống của những người luôn làm theo chỉ đạo của người khác sang trạng thái làm chủ hoàn toàn. Cảm giác này sẽ như thế nào? Thật ra việc này không hề dễ chịu như bạn tưởng. Bạn không thể làm việc như lúc còn đi làm thuê mà phải chịu trách nhiệm với tất cả các quyết định, việc làm của mình. Mỗi kết quả từ quyết định bạn đưa ra giờ đây sẽ trút lên vai ông chủ trẻ là chính bạn. Nếu sai lầm, bạn có thể sẽ bị phá sản.
Vậy thì phải làm thế nào để thích nghi? Trước hết, hãy chấp nhận thay đổi. Nếu trước đây bạn chỉ quen làm theo yêu cầu, mệnh lệnh của người khác thì giờ đây mọi chuyện đã hoàn toàn ngược lại. Do chịu ảnh hưởng từ những người khác, suy nghĩ của bạn về chính bản thân mình có thể bị sai lệch. Hãy tự đánh giá lại về bản thân, xem xét những lời khen chê của mọi người dành cho mình. Bạn phải là chính bạn với bản chất thật của mình chứ không dựa vào nhận xét của mọi người.
2. Chọn đối tượng để tham khảo ý kiến
Có muôn vàn lý do để khởi sự doanh nghiệp, song có một điểm chung là tất cả các chủ doanh nghiệp đều mong muốn gặt hái được thành công.
Sớm hay muộn thì bạn cũng nói cho mọi người biết về kế hoạch kinh doanh của mình. Trong nhiều trường hợp, người đầu tiên góp ý cho kế hoạch đó là cha mẹ bạn. Rủi thay, hai người thân thiết nhất của bạn lại thường có khuynh hướng không ủng hộ quyết định có tính mạo hiểm của con mình. Như lúc bạn còn bé, họ sẽ luôn đi cạnh và chăm sóc, bảo vệ bạn tránh khỏi những hiểm nguy, rắc rối. Họ luôn dang tay đón lấy bạn trước khi bạn vấp ngã. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải hỏi ý kiến hoặc xin lời khuyên từ người thân, bạn bè, trong khi chính chúng ta mới là người biết rõ nhất về việc mình đang làm cũng như những khả năng của bản thân?
Nếu bạn mong muốn trở thành một tay chơi golf chuyên nghiệp, liệu bạn có bao giờ đi xin lời khuyên từ một vận động viên bóng chày hay cầu thủ bóng đá không? Hẳn là không mà bạn phải tham gia vào những khoá dạy chơi golf. Hãy nhớ lại ngày đầu tiên bạn đi làm thuê. Có phải ông chủ đã dẫn bạn đến gặp một đồng nghiệp, người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn để giúp bạn nắm vững về những gì có liên quan đến công việc sắp làm? Lúc ấy, hẳn bạn cũng sẽ không lắc đầu từ chối mà rằng: “Xin lỗi, không cần phải thế, bởi cha mẹ và bạn bè của tôi sẽ dạy tôi biết phải làm gì”. Điều đó nghe thật phi lý và buồn cười phải không? Cha mẹ và bạn bè không thể biết rõ bằng bạn về công việc bạn đang làm. Ngay cả khi bạn đang dự định thành lập một cơ sở dịch vụ chuyên sửa chữa xe hơi, trong khi cha bạn là một thợ máy lành nghề, ông cũng không đủ khả năng để cố vấn cho bạn, trừ khi chính ông đang hoặc đã từng điều hành một cơ sở chuyên sửa chữa bảo trì xe hơi.
Bố mẹ Bill Gates đã từng thất vọng về con trai mình, khi ông quyết định bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh máy tính. Bố Bill rất muốn con trai sẽ trở thành một luật sư. Nếu Bill Gates không quyết tâm nhất nhất đi theo con đường riêng đã chọn, liệu ông có thể trở thành một tỷ phú nổi tiếng toàn cầu như ngày nay?
Trong những năm đầu thập niên 80, Bill Gates có hình dung được hình ảnh một Microsoft lớn mạnh như ngày nay không? Ít nhất ông ta cũng có thể nhìn thấy được vai trò tiên phong trong lĩnh vực mà Microsoft tham gia và bắt tay vào việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp trước khi có người nghĩ đến điều đó.
Hãy tìm kiếm và học hỏi ở những người đã từng có kinh nghiệm về những dự định mà bạn sắp tiến hành.Đừng phí thời gian và công sức để đi tìm lời khuyên của bất kỳ ai, nếu người đó không am hiểu về công việc hoặc ngành nghề kinh doanh mà bạn đang theo đuổi.
3. Tầm nhìn chiến lược
Khi nhìn một đứa trẻ 6 tháng tuổi đang còn trong nôi, bạn phải “thấy” được hình ảnh của nó khi nó đã là người đàn ông 30 tuổi. Lúc đó, tất nhiên là đứa trẻ sẽ không còn nằm nôi với chai sữa trên tay mà phải là một công dân đủ lý trí để có thể đóng góp phần mình vào sự phát triển của xã hội.
Trong suốt khoảng thời gian 30 năm đó, mỗi việc bạn làm để xây dựng cho đứa con của mình một tương lai theo ý muốn đều phải được hoạch định trước. Tương tự, bạn cần có một tầm nhìn chiến lược cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp mình trong tương lai. Bill Gates có làm được điều đó không? Ông ta có nhìn thấy trước được tương lai của doanh nghiệp mình? Xin thưa, ông ta không chỉ nhìn thấy, mà còn biến nó thành hiện thực!
Trong quá trình điều hành kinh doanh, hãy luôn ghi nhớ mục đích cuối cùng của doanh nghiệp. Hãy xác định các mục tiêu, thực hiện đúng kế hoạch đã đặt ra và cập nhật, theo sát những thay đổi cũng như các kết quả đạt được. Đừng sợ thất bại, bởi vì nó cũng là một phần chướng ngại mà bạn phải vượt qua trên con đường dẫn đến thành công.