Tương lai trong tầm nhìn của CEO Google
Với năng lực siêu nhiên có thể nhìn thấu tương lai từ “quả cầu chiêm tinh,” vị giám đốc điều hành của Google Eric Schmidt đã chia sẻ tầm nhìn của mình về thế giới công nghệ vào hôm thứ ba vừa qua. Và thật bất ngờ khi tất cả đều về Google. Vị giám đốc bắt đầu làm việc cho Google từ năm 2001 nói rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ không phải thấy nhàm chán hay cô đơn nữa, và những chiếc ôtô sẽ được tự động điều khiển. Liệu chúng ta có trở nên “da bọc xương” cùng với một hàm răng trắng bóng không nhỉ?
Tại hội nghị TechCrunch Disrupt, Francisco, Schmidt bày tỏ rằng thế giới ngày nay đang trên thềm kỷ nguyên vàng, chờ đợi những thành tựu đột phá. Chìa khóa mở cánh cửa tương lai chính là các server nền tảng đám mây có khả năng xử lý những khối dữ liệu lớn, và trả lại kết quả cho thiết bị của chúng ta chỉ trong nháy mắt. Hầu hết các dịch vụ di động của Google hiện nay đều sử dụng dịch vụ máy tính từ xa (thường gọi là “đám mây”), giúp bạn truy cập Gmail, Google Calendar và Buzz mọi lúc mọi nơi. Một ví dụ mới đấy nhất là Voice Action, một ứng dụng rất tuyệt dành cho điện thoại Android 2.2.
Ngại phải nói và gõ phím? Google đã có cách
Với Google của tương lai, bạn sẽ không cần gõ các truy vấn, công cụ tìm kiếm sẽ tự biết bạn cần gì và đưa ra kết quả. Khi rảo bước xuống phố, thiết bị di động sẽ tự thông báo khi bạn ở vị trí gần với những thứ mà bạn quan tâm. Dạng tính năng này thực ra không xa xôi gì, nó đã được phát triển tới một mức độ nhất định.
Với ứng dụng Foursquare trên iPhone, bạn sẽ được thông báo khi đang ở gần một nhà hàng hay một điểm kinh doanh đã đăng ký với hãng Foursquare. Bạn cũng có thể dùng Google Buzz hoặc Google Maps để tìm các điểm kinh doanh gần vị trí của bạn. Hoặc EXILIM EX-H20G, chiếc máy ảnh Casio sắp ra mắt tới đây, sẽ có tính năng nhắc nhở nếu bạn đang ở gần địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, rất tiện dụng cho các kỳ nghỉ.
“Rùng mình sởn gáy” với Google tương lai
Google trong tương lai sẽ có thể phân tích cú pháp đằng sau các truy vấn tím kiếm của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi Google về dự báo thời tiết, nó sẽ hiểu thực ra bạn đang băn khoăn có phải mang áo mưa hay tưới cây không.
Ý tưởng này thực tế đã được Schimidt và Google xúc tiến trước đó. Một ngày nào đó, Google sẽ xác định được ý định của bạn đằng sau các tìm kiếm, kết quả hiển thị sẽ không chỉ dựa vào những từ khóa nhập vào. Cho đến thời điểm này, trong khuôn khổ dự đoán các truy vấn tìm kiếm, Google Instant chính là thử nghiệm lớn nhất mà công ty đã thực hiện, nó thay đổi các gợi ý truy vấn và kết quả tìm kiếm trong quá trình bạn gõ. Dịch vụ mới này được cho là sẽ tiết kiệm khoảng 2 giây cho mỗi lượt tìm kiếm. Tuy nhiên theo biên tập viên tạp chí PC World, Harry MacCracken, Google Instant vẫn cần phải cải tiến nhiều hơn để có thể dự đoán chính xác những gì bạn cần.
Trợ lý cá nhân số
Biến máy tính thành một “cô” thư ký ảo đã trở thành một trong nhiều “chén thánh” của ngành công nghệ. Điển hình là năm 1988, Apple đã phát hành một đoạn video concept về Knowledge Navigator, một trợ lý số có thể trò chuyện với bạn.
Theo Schmidt, trong tương lai, công nghệ sẽ có thể đảm bảo bạn không còn thở dài kêu chán. Nhờ truy cập vào lịch làm việc và danh sách các công việc, máy tính có thể cho bạn biết việc cần làm tiếp theo trong ngày, qua đó giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
Dĩ nhiên để làm được điều này, như Schmidt đã giải thích, bạn cần chia sẻ địa chỉ email, danh sách liên lạc (contacts) và mạng lưới các mối quan hệ cá nhân với Google. Chúng ta đã quen thuộc với một phần trong công nghệ này rồi, chẳng hạn như Youtube Leanback, Google’s Priority Inbox, Google Buzz, các lời nhắc nhở lịch tự động hay danh sách công việc. Nhưng lẽ nào chỉ dừng lại ở đây?
Bạn nghĩ sao về công nghệ định vị GPS có thể xác định vị trí chính xác đến từng cm. Hoặc là khi dạo phố trong tương lại, Schmidt nói, “chiếc xe của bạn sẽ được lái tự động. Lẽ ra máy tính phải được phát minh sớm hơn ô tô mới phải.”
Bài diễn thuyết của Schmidt rất cuốn hút và thực tế thì những “hạt giống” làm cơ sở tiền đề đã có rồi. Vị CEO Google cũng thận trọng khi nói rằng nếu người dùng không cho phép lập chỉ mục cho dữ liệu của họ thì kiểu tính năng hỗ trợ này cũng không thể hoạt động.
Hiện vẫn chưa thể nói trước được liệu người dùng có sẵn sàng tiếp tục “dấn thân” vào các dịch vụ của Google hay không. Và liệu người dùng có muốn máy tính chỉ định công việc mà họ cần làm? Tất cả vẫn còn để ngỏ. Mong rằng “gã khổng lồ” Google sẽ luôn hào phóng cung cấp các dịch vụ hữu ích.
Nguồn: voz.vn