5 bí quyết tăng cường trí nhớ

Bạn quên mất tên của một ngôi làng xinh đẹp mà mình đã viếng thăm vào năm ngoái? Bạn luôn “vò đầu bứt tóc” vì không tìm được chìa khoá xe?
Trí nhớ song hành cùng ta suốt cả cuộc đời, được con người sử dụng thường xuyên, mà lại ít được chăm sóc đến.


Sau đây là 5 kỹ thuật tăng cường trí nhớ đã được chứng minh là rất hữu dụng:

1. Tạo ra những hình ảnh trong trí não

Khi một thông tin được tiếp nhận, bạn có thể tạo ra một bức tranh trí não về nó, đồng thời ghi âm lại bằng dạng ngôn ngữ nói. Một trong hai dạng phiên bản lưu giữ thông tin này có thể vượt trội hơn, tuỳ theo kiến thức của bạn về đối tượng. Chẳng hạn như khi nghe đến cái tên Tutankhamen, thì hình ảnh thể hiện qua ngôn ngữ nói mạnh hơn, nếu bạn có một chút kiến thức về khảo cổ Ai Cập. Mặt khác, hình ảnh của tổng thống Mỹ George W.Bush sống động hơn là sự diễn đạt bằng lời nói.

Những hình ảnh trí não có thể được dùng theo chiến thuật sắp đặt có lợi cho trí nhớ, bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa một vật thể và nơi chốn để kích hoạt trí nhớ của bạn về chính vật thể đó. Nếu bạn thường xuyên để quên chìa khoá xe ở nhà, hãy cố liên kết nó với một nơi cố định, để lúc nào bạn cũng có thể thấy nó - chẳng hạn như chiếc bàn kê trong hành lang nhà, hoặc hộc tủ đựng tivi trong phòng khách. Bạn cũng có thể áp dụng mẹo này để nhớ danh sách vật dụng, thức ăn cần mua sắm.

Hãy thực hiện một cuộc khảo sát bằng trí não khắp nhà, và tại từng nơi khác nhau, hãy cụ thể hoá bằng hình ảnh cái mà bạn cần mua. Mối liên hệ càng giàu tính tưởng tượng, thì trí nhớ càng mạnh mẽ. Ví dụ: Để nhớ mua chai nước rửa chén, bạn hãy nghĩ đến chiếc bồn rửa trong nhà bếp.

2. “Chia để trị”

Một cách để áp đặt trật tự lên các thông tin cho dễ nhớ, dễ thuộc là chia thành từng nhóm. Ví dụ: Một số điện thoại di động bao gồm 10 con số: 0-9-1-9-5-0-7-6-2-6 rất khó nhớ. Nhóm các con số thành từng cặp giúp bạn chỉ cần nhớ 5 yếu tố. Đó là: (09-19)-50-76-26.

Cũng tương tự như vậy, khi bạn cần phải nhớ nhiều chuỗi sự kiện, hãy bắt đầu bằng cách thành lập các nhóm. Chẳng hạn như khi bạn phải liệt kê tên của các loại xương trong cơ thể, hãy nên bắt đầu từ xương sọ, rồi xương cổ, xương cánh tay, v.v… còn hơn là nhớ chúng một cách lộn xộn, lung tung. Cần phải chọn những tiêu chuẩn logic khi phân loại các thông tin bạn cần nhớ. Để tránh việc quên các món đồ trong danh sách đi mua hàng, bạn hãy chia chúng ra dựa theo vị trí xếp trên kệ ở cửa hàng. Và nhớ đừng để bị quá tải bởi quá nhiều tiêu chí phân loại. Các nghiên cứu về trí nhớ cho thấy: bạn sẽ nhớ nhiều hơn, nếu bạn nhớ các sự vật vào không quá 7 nhóm.

Nếu chỉ đơn giản là chia nhóm các thông tin, thì vẫn chưa hiệu quả, khi mà mỗi nhóm chứa quá nhiều yếu tố khác nhau. Bạn cần một phân lớp tổ chức, sắp xếp thông tin lần hai, chẳng hạn như theo thứ tự chữ cái, theo các tiêu chí phụ nhỏ hơn. Ví dụ: nhóm thực phẩm cần mua gồm có: Bí đỏ, Cà chua, Đậu đỏ…; nhóm vật dụng cần mua gồm có: Áo ấm, Bút chì, Com-pa v.v… (chia theo thứ tự bảng chữ cái).

3. Liên kết các ký ức

Các thông tin mới nhận, muốn được lưu giữ, phải được chuyển hoá thành “ngôn ngữ bộ não”, so sánh với thông tin khác trong ký ức, với phương thức vận hành giống như máy vi tính cập nhật các dữ liệu. Tiến trình này cho phép bạn thành lập mối liên kết giữa con người, vật thể, hình ảnh và ý tưởng có những điểm giống nhau, hoặc có cùng tính chất, qua đó mà tăng cường khả năng ghi nhớ tất cả. Ví dụ: để ghi nhớ ngày tháng của các sự kiện lịch sử, bạn có thể liên kết chúng với những những ngày tháng có liên hệ với đời sống cá nhân, hoặc so sánh tương ứng với những con số thân thuộc về sức nặng và chiều cao của bạn.

4. Chiến thuật “bò gặm cỏ nhai lại”

Thông thường, chúng ta học thuộc một số thông tin nào đó để phục vụ cho nhu cầu gần trước mắt. Ví dụ: trước khi đi thi, thí sinh nào cũng cố nhồi nhét trong đầu một núi kiến thức khổng lồ. Tuy nhiên, kiểu học như vẹt không phải là cách tốt nhất để lưu trữ kiến thức về lâu về dài. Một khi “thời hạn nguy cấp” đã qua, ta cũng chẳng thèm bận tâm ôn lại những gì mình đã học.

Quả vậy, nghiên cứu cho thấy chúng ta bắt đầu “quên ngay sau khi học”! Chỉ trong vòng vài giờ, ta không còn có thể nhắc lại 70% - 80% dung lượng thông tin một cách thông suốt, dễ dàng. Để cài dữ liệu chắc chắn vào bộ nhớ, bạn cần tái khởi động ôn lại ngay. Với những dữ liệu phức tạp, thì nhắc đi nhắc lại vẫn là phương pháp củng cố đáng tin cậy nhất. Thông tin đã được nằm trong não sẽ được lấy ra, trả vào bộ nhớ, tạo cho nó “hạn sử dụng” lâu hơn.

Bạn có thể tăng cường khả năng lưu trữ lâu dài bằng cách học thuộc những dữ liệu đơn giản trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, bạn phải nhắc lại thông tin ngay lập tức vào sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy.

5. Hãy nói về nó

Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta: chúng ta đã xem một bộ phim, nhưng chỉ vài ngày sau là quên béng mất cái tên của nó. Nhiều người đâm hoảng vì lo sợ mình đã bị “vấn đề” gì đó về trí nhớ rồi. Nhưng thật ra, chúng ta hãy khoan phóng đại nỗi lo lắng, mà hãy tự hỏi: liệu chúng ta có thật sự thích bộ phim ấy và thấy nó rất thú vị? Mong muốn luôn nhớ một điều gì là một thành tố cơ bản của việc lưu trữ thành công các dữ liệu. Nếu bạn xem phim chỉ để thư giãn, “giết” thời gian, thì quên nó là chuyện bình thường.

Kể cho ai đó nghe về một cuốn sách hay, câu chuyện hay là một cách thông minh để nhớ về nó. Việc nói ra miệng sẽ giúp các thông tin được “mã hoá” dễ dàng hơn, hoặc liên kết dễ dàng hơn với những thông tin đã có sẵn trong bộ nhớ. Sử dụng khả năng này, trí nhớ của bạn không những truyền đạt đi những thông tin, mà còn chuyển tải những cảm xúc đa dạng, phong phú - thật khác xa với kiểu trí nhớ của máy tính: chất chứa vô số những thông tin, nhưng lại thiếu cảm xúc mang tính nhân bản.