Cyworld và hiệu ứng “nghiền” mạng xã hội


“Tôi không thể thiếu Cyworld! Nếu giờ có ai chặn Cyworld, tôi sẽ kiện người đó!” – một “dân nghiền” mạng xã hội nói về Cyworld. Với hơn 20 triệu thành viên, mỗi ngày có thêm 10.000 – 15.000 người đăng ký mới, Cyworld đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới trẻ xứ Hàn.
Cộng đồng “dân nghiền” Cyworld

Đa số người dùng Cyworld nằm trong độ tuổi teen từ 18 đến đầu 20, trong đó số người dùng ở độ tuổi 20 chiếm nhiều nhất. Đây chính là nhóm người dùng được đánh giá là nhóm “tạo ra xu hướng” theo sau là các thành viên tuổi teen trong việc sử dụng Cyworld. Mỗi ngày Cyworld có khoảng 10.000-15.000 thành viên mới.
Vậy động lực nào thúc đẩy mọi người dùng Cyworld?


Ngày 15/3 tới đây, GS John Quelch – “thầy phù thuỷ về marketing và thương hiệu” – sẽ diễn thuyết cho các DN lớn Việt Nam về chủ đề “Điển cứu mới về chiến lược tiếp thị trong kỷ nguyên số”. Là kết quả nghiên cứu từ những điển hình áp dụng tiếp thị mới và độc đáo nhất, các điển cứu này sẽ giúp DN cập nhật nhiều kiến thức và thực tiễn đương đại nhằm xác lập một chiến lược marketing tối ưu, có tính ứng dụng cao cũng như khả năng dự báo, tiên lượng những bất ổn tiềm ẩn trong tương lai. Mạng xã hội Cyworld của Hàn Quốc cũng là một trong các điển cứu được GS John Quelch trình bày trong hội thảo.
Rất nhiều người dùng Cyworld đã bỏ ra hàng giờ đồng hồ trên mạng mỗi ngày. Trong khi các bậc phụ huynh xem đó là một sự lãng phí thời gian, thì các bạn trẻ vẫn tiếp tục “trung thành” với Cyworld. Jong-Hyun Jeong, 20 tuổi, sinh viên năm 2 của một trường cao đẳng giải thích rằng “Nếu không sử dụng Cyworld, tôi sẽ không thể giữ liên lạc với bạn bè, và sẽ thấy thật cô đơn. Tôi thích nhiều dịch vụ mạng xã hội và tính năng tự bày tỏ cảm xúc mà Cyworld cung cấp. Vì vậy, tôi sử dụng Cyworld thường xuyên”.
Với Yu-Jin Lee, 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Đại học Osan, Hàn Quốc, Cyworld không chỉ là một trang mạng thuần túy, Cyworld còn cung cấp rất nhiều mối liên hệ đến những điều thú vị khác nữa. Cô sinh viên ngành thiết kế đồ họa này đã đưa tất cả những bài luận của mình lên trang web. Cô đã tải những bức ảnh cô chụp với bạn bè, gia đình và nhóm lên web. Cô viết blog hàng ngày, tâm sự với bạn trai qua dịch vụ tin nhắn nhanh của Cyworld. Ngoài ra cô cũng có thể có thêm những người bạn mới khi những bức hình đại diện (avatar) của họ được lưu lại trên Cyworld của Lee. Lee nói: “Tôi không thể thiếu Cyworld! Nếu giờ có ai chặn Cyworld, tôi sẽ kiện người đó!”.
Thật thú vị khi những ý kiến như vậy không chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc. Duy trì liên lạc với bạn bè cũng là một trong những lý do chính mà nhiều người Mỹ sử dụng Myspace và Facebook. Cuộc khảo sát của Forrester về người sử dụng Internet ở Mỹ cho thấy rằng “truyền thông và các dịch vụ cung cấp nội dung như tìm kiếm một sự kiện, xem một video hay nghe nhạc hầu như đóng góp rất ít đến việc thiết lập mối quan hệ của các thành viên”. Một học sinh cấp III ở Boston, 16 tuổi đã nói về đam mê của cậu ta với Facebook như sau:
“Điện thoại di động, tin nhắn điện thoại và thư điện tử là riêng tư vì khi tôi nói chuyện với một người, thông thường tôi có những mục đích rất rõ ràng. Ở một khía cạnh nào đó, blog giống như việc phát đi quan điểm của bạn tới phần còn lại của thế giới mà không cần biết xem liệu có ai thật sự muốn lắng nghe hoặc quan tâm hay không. Tuy nhiên, viết lên Facebook của một người bạn thì lại là chuyện “bán riêng tư”. Tôi chỉ muốn nói với nhóm bạn của tôi, và tôi biết rằng những bình luận đó có thể được họ đọc”.
Ngoài mục đích tạo dựng mối quan hệ, những người sử dụng Cyworld đã viện dẫn rất nhiều lý do khác cho việc sử dụng mạng xã hội này:
Joon Kim, một kỹ sư phần mềm 30 tuổi, người đã gặp vợ mình trong một câu lạc bộ của Cyworld về “gia đình” ảo (trong câu lạc bộ đó anh đã đóng vai người chồng) cho biết: “Tôi sử dụng Cyworld như một nơi lưu trữ ảnh cho gia đình tôi. Đứa con trai 1 tuổi của tôi sẽ có một bộ ảnh về cuộc sống của nó sau 20 năm nữa”.
Tính phổ biến của dịch vụ này đã tạo cơ hội cho một số thành viên. Hyoung-Gon Kim, 25 tuổi đã có tên tuổi trên Cyworld nhờ đăng công thức chế biến món ăn với những bức ảnh về các món ăn trên trang chủ Cyworld của mình – và nhờ đó đã ký được hợp đồng viết một cuốn sách về ẩm thực. Hee-Jae Kang, 31 tuổi, đã bỏ việc làm để mở một trang mua sắm online sau khi bộ sưu tập búp bê và quần áo mà cô đăng trên trang chủ Cyworld được 2.7 triệu khách ghé thăm.
Tích hợp “3 trong 1”
Khi con số thành viên lên tới 21 triệu, Cyworld phải đối mặt với hai thử thách lớn: bao hòa thị trường và, sau vài năm, người sử dụng đã chán mua những món đồ ảo để trang trí trang web cá nhân của mình.


Cyworld được thành lập vào năm 1999 bởi một nhóm sinh viên thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAIST). Mục đích của Cyworld là giúp kết nối mọi người (trong tiếng Hàn, “Cy” nghĩa là “Mối quan hệ"). Ban đầu Cyworld kinh doanh dựa vào việc bán các món quà ảo và bản nhạc mà người dùng có thể tải về trang trí, làm nhạc nền cho web cá nhân của mình. Năm 2003, Cyworld được công ty SK Telecom mua lại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Trước bối cảnh đó, Cyworld đã bắt đầu tìm kiếm những phương thức mới để cung cấp giá trị cho người dùng. Cyworld cũng nhận thức rõ những xu hướng mới trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc sử dụng blog hay các trang web với nội dung chủ yếu do người dùng tạo ra như YouTube. Những xu hướng này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người dùng internet và trở thành những đối thủ canh tranh gián tiếp với Cyworld. Năm 2006, Cyworld quyết định xây dựng một chiến lược mới dựa trên truyền thông cá nhân (bản nâng cấp của hình thức trang cá nhân) và một media platform (một nền tảng mở giúp người dùng chia sẻ thông tin, ảnh và video).
Tháng 3 năm 2007, Cyworld cho ra đời bản nâng cấp của chính mình. Bà Ji-Young Park, trưởng nhóm thực hiện dự án mới miêu tả về trang Cyworld mới như sau:
“Lâu nay chúng tôi đã tập trung vào các trang cá nhân bởi vì các trang này đã trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh. Nhưng trào lưu sử dụng blog đang ngày càng phát triển. Vì thế chúng tôi đã tạo ra Home2 để kết hợp cả những tính năng của blog và trang web cá nhân. Home2 cung cấp nhiều không gian hơn và cho phép người dùng linh hoạt và sáng tạo hơn”.
Người dùng có thể tiếp tục dùng trang cá nhân của mình hoặc nâng cấp lên Home2. Dịch vụ mới này được hỗ trợ bởi MyBase, một trung tâm thông tin được cá nhân hóa có thể lưu trữ những dữ liệu của người dùng và cho họ biết những thay đổi ở trang cá nhân của bạn bè.

Khái niệm về Cyworld
Phần thứ hai của chiến lược này là tạo ra một media platform (được hiểu là nền/chuẩn ứng dụng mở cho phép chạy các ứng dụng truyền thông media-ND) Byung-Hui Shin (trưởng nhóm dịch vụ khách hàng) cho biết:
Dịch vụ truyền thông cá nhân như trang cá nhân, cung cấp không gian cho những cuộc đối thoại riêng của người dùng với bạn bè. Ngược lại, media platform cho phép người dùng chia sẻ nội dung cùng với bạn bè của mình. Người dùng có thể tải video, tin tức, tranh ảnh lên media platform. Nếu người dùng thấy thích thú với những nội dung trên media platform thì họ có thể thăm quan trang cá nhân của người đã tạo nên những nội dung đó. Nền ứng dụng này hiện đã có trên 50 triệu video clip. Mỗi ngày người dùng Cyworld tải lên 50.000 video và 5 triệu bức ảnh.
 Nguồn vietnamnet.vn