Thiếu kỹ sư CNTT cho thị trường Nhật

Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang tuyển gần 50 học viên Việt Nam tham gia Khóa đào tạo kỹ sư cầu nối (VNBR). Hạn nhận hồ sơ 12/11/2009.

Chọn người xuất sắc sang Nhật đào tạo

Theo kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT của Chính Phủ Nhật Bản cho các quốc gia tham gia tổ chức Hội đồng Chuyên môn về Sát hạch Kỹ sư CNTT (ITPEC) trong năm tài chính 2009, FUJITSU Learning Media Nhật Bản và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ phối hợp với Trung tâm Đào tạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (VITEC) tổ chức Khóa đào tạo Kỹ sư Cầu nối (VNBR) cho các học viên là người Việt Nam. Khóa học này ưu tiên cho các thí sinh có chứng chỉ sát hạch kỹ sư CNTT do VITEC tổ chức, có năng lực trở thành lãnh đạo hay cán bộ quản lý về CNTT phục vụ cho các chương trình cầu nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

Mục tiêu của khóa học nhằm giúp các học viên nắm được kỹ năng phát triển hệ thống và các kỹ năng quản lý dự án; hiểu được vai trò của người “Kỹ sư cầu nối” trong việc hợp tác phát triển dự án CNTT giữa các công ty của Nhật Bản và Việt Nam; thúc đẩy số lượng thí sinh tham dự sát hạch CNTT tại Việt Nam và mở ra khả năng làm việc tại các công ty của Nhật.

Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc VITEC cho biết sẽ có 3 lớp học (mỗi lớp 15 học viên) tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Sau đó sẽ chọn 10 học viên xuất sắc sang Nhật học vào tháng 1/2010. Toàn bộ chi phí đào tạo, đi lại, ăn ở… do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Liên hệ: Trung tâm Đào tạo (VITEC) tầng 6, phòng 601, Tòa nhà HITTC, 185 Giảng Võ (Hà Nội). ĐT: (04)35122902, gặp chị Hà; Mobile 0912236958; Email hanm@vitec.org.vn

Cần kỹ năng CNTT và tiếng Nhật

Nhân dịp này, TGVT đã có cuộc trao đổi thêm với ông Đỗ Văn Bình về nhu cầu nhân lực CNTT cho thị trường Nhật Bản. Qua nội dung trao đổi cho thấy, kỹ năng CNTT và tiếng Nhật là hai điều kiện cần và đủ để làm việc được với Nhật Bản.

Ông có thể cho biết tình hình chung về nhu cầu nhân lực cho thị trường Nhật?

METI rất quan tâm đến thị trường nhân lực Việt Nam để có những hợp đồng lâu dài với thị trường này. Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 1 trong 3 dự án lớn nhất mà Nhật Bản đang đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực, đặc biệt phía Nhật rất quan tâm đến thị trường nhân lực Việt Nam nên họ hỗ trợ rất nhiệt tình để đạt được yêu cầu về nhân lực trong tương lai. VITEC là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng chuẩn kỹ năng kỹ sư CNTT cho Việt Nam. Lâu nay, VITEC đã có quan hệ hợp tác với METI để tham khảo cách làm của Nhật Bản trong việc này. Vì vậy, Nhật Bản cũng muốn thông qua VITEC để tuyển dụng nguồn nhân lực cho họ. Hiện VITEC nhận được rất nhiều đơn đặt hàng với mức lương từ 1.800 đến 2.500 USD/tháng, làm việc tại Nhật. Hiện, các thí sinh đạt chứng chỉ VITEC là đạt điều kiện cần để chúng tôi giới thiệu sang Nhật làm việc. Tuy nhiên, phía Nhật Bản yêu cầu ngoài kỹ năng công nghệ còn cần kỹ năng về tiếng Nhật. Vì vậy, VITEC đang khuyến cáo các kỹ sư cũng như các đơn vị đào tạo CNTT đào tạo thêm tiếng Nhật.

Được biết, kỳ sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản đang được VITEC tổ chức thi cùng ngày, cùng đề với 8 quốc gia khác trong khu vực. Vậy, qua đó cho thấy trình độ chung của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam so với các nước ra sao?

Tại Việt Nam, đối tượng đi thi chủ yếu là sinh viên. Trong khi đó, đây là kỳ thi chủ yếu dành cho người lao động. Do đó rất khó để đánh giá trình độ chung của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ thi đạt của Việt Nam luôn cao nhất, trung bình từ 10% - 12%. Riêng nội dung sát hạch kỹ sư CNTT cơ bản (FE) luôn đạt 15%.

Có một thực tế là kỹ sư đạt chuẩn Nhật Bản nhưng vẫn chưa làm việc được với Nhật do vấn đề ngôn ngữ. Vậy, theo ông nên có giải pháp gì?

VITEC chỉ khuyến cáo các đơn vị đào tạo CNTT nên đào tạo thêm tiếng Nhật. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện rất nhiều cho các doanh nghiệp, trường học ở Việt Nam tham gia vào các hoạt động của VITEC. Chẳng hạn như Chương trình “Kỹ sư Cầu nối” và dạy tiếng Nhật cho thí sinh có trình độ CNTT. Đây là chương trình hợp tác song phương với phía Nhật Bản để các kỹ sư đã đạt chuẩn về CNTT trau dồi thêm tiếng Nhật. Các kỹ sư, các thí sinh đã có chứng chỉ của VITEC mà có nhu cầu về tiếng Nhật có thể liên hệ với VITEC để được giới thiệu vào các chương trình học tiếng này. Việc học hoàn toàn miễn phí.

Theo ông, vì sao Nhật Bản dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam?

Do có sự tương đồng về văn hóa nên Nhật Bản thích hợp tác với đối tác Việt Nam. Ngoài ra, nguồn nhân lực Nhật Bản hiện là già trong khi nguồn nhân lực Việt Nam thì trẻ - đây là một sự bổ sung rất hợp lý. Chất lượng các sản phẩm, dự án nếu đảm bảo sẽ tốt hơn nhiều các thị trường khác. Một chuyên gia người Nhật đã chia sẻ với tôi, trước đây họ sử dụng nhiều nhân lực Trung Quốc nhưng họ hầu như chỉ muốn sử dụng công nghệ để đưa về nước họ, không phù hợp với mục đích của phía Nhật Bản. Đó là những lý do Nhật Bản “thích” Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thu Nga (thực hiện)