Gia công phần mềm Việt Nam chưa chạm đáy
Tăng trưởng doanh thu gia công phần mềm nửa đầu năm 2009 của Việt Nam đã giảm, thậm chí một số doanh nghiệp còn tăng trưởng âm. Dự báo đến 2010-2011 mới phục hồi.
Cách đây vài tháng, trong hội thảo về phần mềm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT dự báo, ngành phần mềm Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trưởng 20% của năm 2008. Lý do theo ông Bình là do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, các khách hàng không còn muốn bàn đến việc gia công ra bên ngoài, họ giữ lại các dự án gia công để tạo việc làm cho nhân viên.
Tăng trưởng đình trệ
Đến thời điểm này, khi mà năm 2009 đã đi hết nửa thời gian, dự báo của ông Bình đã phần nào trở thành hiện thực. Theo báo cáo của Sở TT&TT TP.HCM, công nghiệp CNTT của thành phố đầu tàu về lĩnh vực này của cả nước chỉ tăng khoảng 10% trong 6 tháng đầu năm 2009. Một trung tâm lớn về công nghiệp CNTT khác là Đà Nẵng tình hình còn ảm đạm hơn, chỉ đạt khoảng 460 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay, không tăng so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu phần mềm của cả thành phố trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 3 triệu USD.
Các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực GCPM Việt Nam cũng ở tình cảnh tương tự. Trao đổi qua email, một lãnh đạo Công ty phần mềm FPT (FSoft) thừa nhận “suy thoái kinh tế toàn cầu làm tốc độ tăng trưởng của FSoft chậm lại khá nhiều, dự kiến chỉ đạt khoảng 10%”. Đây là sự sụt giảm tăng trưởng rất mạnh của Fsoft, doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Năm ngoái, Fsoft, có 2.700 nhân viên, đạt doanh thu 41 triệu USD và tăng trưởng 40%.
Tương tự Fsoft, mảng gia công phần mềm của Tập đoàn công nghệ Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing) cũng không tránh khỏi vòng xoáy của cơn bão kinh tế toàn cầu. Theo ông Nguyễn Ích Vinh, Phó Giám đốc công ty Tinhvan Outsourcing, một trong những mảng thị trường lớn của công ty này là thị trường Mỹ. Sáu tháng đầu năm nay, rất nhiều các công ty Mỹ lâm vào tình trạng phải tạm dừng các dự án hoặc phá sản. “Điều này khiến số lượng khách hàng giảm xuống, tốc độ tăng trưởng do đó cũng chậm lại đáng kể so với cùng thời gian này năm ngoái”, ông Vinh cho hay.
Một số công ty làm GCPM tập trung vào thị trường Nhật thì tình hình còn thê thảm hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phụ trách gia công phần mềm tại TP.HCM của công ty NEC Solutions Việt Nam, doanh thu trong 6 tháng đầu năm của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng âm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm mạnh nhất, theo ông Hùng, là từ tháng 4 đến tháng 6 đầu năm nay. NEC Solutions Việt Nam là công ty con thuộc tập đoàn phần mềm Nhật NEC Soft được thành lập năm 2006, có doanh thu khoảng 3 triệu USD vào năm ngoái.
Bao giờ phục hồi?
Hãng nghiên cứu Forrester Research vừa đưa dự báo khả quan, cho rằng thị trường công nghệ Mỹ đã chạm đáy suy thoái vào quý III năm nay, dự kiến tăng trưởng ở thị trường này sẽ phục hồi vào năm 2010. Tháng 5/2009 là tháng chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, hãng Morgan Stanley dự đoán kinh tế Mỹ đã chạm đáy suy thoái trong khoảng tháng 4 và tháng 5 vừa qua và đang trên đà phục hồi.
Đây là tin khá lạc quan với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Fsoft cho rằng ngành công nghiệp phần mềm nói chung và GCPM nói riêng sẽ phục hồi chậm hơn so với nền kinh tế nói chung khoảng nửa năm.
“Nếu cho rằng hiện nay khủng hoảng đã chạm đáy thì ngành GCPM sẽ chạm đáy khủng hoảng vào đầu 2010”, đại diện Fsoft dự báo, “Thị trường lớn nhất của Fsoft là Nhật Bản, được chính các chuyên gia Nhật đánh giá sẽ phục hồi muộn hơn vào đầu 2011, vì vậy có thể dự đoán FSoft sẽ thực sự lấy lại đà tăng trưởng vào khoảng từ cuối 2010 đến đầu 2011”.
Còn ông Vinh cho rằng nếu nhìn một cách lạc quan, thị trường GCPM ít nhất sẽ phải tới quý IV năm nay và đầu 2010 mới có những dấu hiệu phục hồi đáng kể và bắt đầu các dự án lớn quay trở lại. Trong thời gian này, các công ty sẽ chủ yếu dựa vào các dự án đang có và duy trì nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Với Tinhvan Outsourcing, ông Vinh dự báo, nửa cuối năm nay công ty sẽ phát triển mạnh hơn nhờ tác động lạc quan của những dấu hiệu phục hồi kinh tế. Hơn nữa, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Tinhvan Outsourcing không hề bị mất nhân sự, đây là điểm tốt để có thể có được nguồn nhân sự sẵn sàng cho các dự án sắp tới.
Với thị trường gia công phần mềm cho Nhật, ông Nguyễn Đoàn Hùng dự báo, mức sụt giảm tăng trưởng đã tới đáy, ít nhất là với NEC Solutions Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hùng cũng “không biết khi nào mới phục hồi”.
Theo ICTNews
Cách đây vài tháng, trong hội thảo về phần mềm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT dự báo, ngành phần mềm Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trưởng 20% của năm 2008. Lý do theo ông Bình là do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, các khách hàng không còn muốn bàn đến việc gia công ra bên ngoài, họ giữ lại các dự án gia công để tạo việc làm cho nhân viên.
Tăng trưởng đình trệ
Đến thời điểm này, khi mà năm 2009 đã đi hết nửa thời gian, dự báo của ông Bình đã phần nào trở thành hiện thực. Theo báo cáo của Sở TT&TT TP.HCM, công nghiệp CNTT của thành phố đầu tàu về lĩnh vực này của cả nước chỉ tăng khoảng 10% trong 6 tháng đầu năm 2009. Một trung tâm lớn về công nghiệp CNTT khác là Đà Nẵng tình hình còn ảm đạm hơn, chỉ đạt khoảng 460 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay, không tăng so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu phần mềm của cả thành phố trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 3 triệu USD.
Các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực GCPM Việt Nam cũng ở tình cảnh tương tự. Trao đổi qua email, một lãnh đạo Công ty phần mềm FPT (FSoft) thừa nhận “suy thoái kinh tế toàn cầu làm tốc độ tăng trưởng của FSoft chậm lại khá nhiều, dự kiến chỉ đạt khoảng 10%”. Đây là sự sụt giảm tăng trưởng rất mạnh của Fsoft, doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Năm ngoái, Fsoft, có 2.700 nhân viên, đạt doanh thu 41 triệu USD và tăng trưởng 40%.
Tương tự Fsoft, mảng gia công phần mềm của Tập đoàn công nghệ Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing) cũng không tránh khỏi vòng xoáy của cơn bão kinh tế toàn cầu. Theo ông Nguyễn Ích Vinh, Phó Giám đốc công ty Tinhvan Outsourcing, một trong những mảng thị trường lớn của công ty này là thị trường Mỹ. Sáu tháng đầu năm nay, rất nhiều các công ty Mỹ lâm vào tình trạng phải tạm dừng các dự án hoặc phá sản. “Điều này khiến số lượng khách hàng giảm xuống, tốc độ tăng trưởng do đó cũng chậm lại đáng kể so với cùng thời gian này năm ngoái”, ông Vinh cho hay.
Một số công ty làm GCPM tập trung vào thị trường Nhật thì tình hình còn thê thảm hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phụ trách gia công phần mềm tại TP.HCM của công ty NEC Solutions Việt Nam, doanh thu trong 6 tháng đầu năm của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng âm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm mạnh nhất, theo ông Hùng, là từ tháng 4 đến tháng 6 đầu năm nay. NEC Solutions Việt Nam là công ty con thuộc tập đoàn phần mềm Nhật NEC Soft được thành lập năm 2006, có doanh thu khoảng 3 triệu USD vào năm ngoái.
Bao giờ phục hồi?
Hãng nghiên cứu Forrester Research vừa đưa dự báo khả quan, cho rằng thị trường công nghệ Mỹ đã chạm đáy suy thoái vào quý III năm nay, dự kiến tăng trưởng ở thị trường này sẽ phục hồi vào năm 2010. Tháng 5/2009 là tháng chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, hãng Morgan Stanley dự đoán kinh tế Mỹ đã chạm đáy suy thoái trong khoảng tháng 4 và tháng 5 vừa qua và đang trên đà phục hồi.
Đây là tin khá lạc quan với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Fsoft cho rằng ngành công nghiệp phần mềm nói chung và GCPM nói riêng sẽ phục hồi chậm hơn so với nền kinh tế nói chung khoảng nửa năm.
“Nếu cho rằng hiện nay khủng hoảng đã chạm đáy thì ngành GCPM sẽ chạm đáy khủng hoảng vào đầu 2010”, đại diện Fsoft dự báo, “Thị trường lớn nhất của Fsoft là Nhật Bản, được chính các chuyên gia Nhật đánh giá sẽ phục hồi muộn hơn vào đầu 2011, vì vậy có thể dự đoán FSoft sẽ thực sự lấy lại đà tăng trưởng vào khoảng từ cuối 2010 đến đầu 2011”.
Còn ông Vinh cho rằng nếu nhìn một cách lạc quan, thị trường GCPM ít nhất sẽ phải tới quý IV năm nay và đầu 2010 mới có những dấu hiệu phục hồi đáng kể và bắt đầu các dự án lớn quay trở lại. Trong thời gian này, các công ty sẽ chủ yếu dựa vào các dự án đang có và duy trì nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Với Tinhvan Outsourcing, ông Vinh dự báo, nửa cuối năm nay công ty sẽ phát triển mạnh hơn nhờ tác động lạc quan của những dấu hiệu phục hồi kinh tế. Hơn nữa, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Tinhvan Outsourcing không hề bị mất nhân sự, đây là điểm tốt để có thể có được nguồn nhân sự sẵn sàng cho các dự án sắp tới.
Với thị trường gia công phần mềm cho Nhật, ông Nguyễn Đoàn Hùng dự báo, mức sụt giảm tăng trưởng đã tới đáy, ít nhất là với NEC Solutions Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hùng cũng “không biết khi nào mới phục hồi”.
Theo ICTNews