7 năm nữa VN sẽ thành nước mạnh về CNTT

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT sau 7 năm nữa.

Ptt-NGuyen-Thien-Nhan.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo Toàn cảnh CNTT 2009 Việt Nam tại TP.HCM hôm qua. Ảnh: Chinhphu.vn

Hội thảo thường niên Toàn cảnh Công nghệ thông tin, truyền thông, điện tử Việt Nam 2009 (VIO) với chủ đề: “Định vị ngành công nghiệp phần mềm trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước” đã diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 15/7. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự và có ý kiến chỉ đạo.

Các báo cáo tại Hội thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Sở TTTT và Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh cũng như của các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) trong và ngoài nước đã tập trung phân tích tình hình thị trường công nghiệp phần mềm (CNPM) và dịch vụ CNTT thế giới và trong nước. Tất cả đều cho rằng, không có ngành kinh tế nào mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn trong khoảng 15-20 năm tới đây cho đất nước như CNPM và dịch vụ CNTT và chưa bao giờ ngành CNTT có cơ hội bứt phá để giành vị trí cao trên thế giới như hiện nay.

Năm 2008, ngành CNTT Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Tổng doanh thu đạt 4,74 tỷ USD, mức tăng trưởng bình quân 49% (trong đó phần cứng là 19%, phần mềm và dịch vụ tăng trưởng 87%). Tổng nhân lực toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT ở nước ta khoảng 30.000 người, năng suất bình quân đạt 11.000USD/người/năm.

Tại Hội thảo, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Phát triển phần mềm Quang Trung kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm tới vai trò của các DN lớn, có doanh thu cao, theo đó cần hỗ trợ và có chương trình cụ thể để chuyền dịch dần cơ cấu các DN phần mềm và dịch vụ CNTT từ trạng thái hiện tại là 5/95 (5% các DN lớn nhất chi phối 95% thị trường còn lại- PV) theo hướng quy luật 20/80. Để làm được việc này cần nhanh chóng tháo gỡ các thủ tục rườm rà, các rào cản để các DN ở top trên giữ vững được tốc độ tăng trưởng, đồng thời trợ giúp, tiếp sức cho các DN ở nhóm giữa có cơ hội vươn lên những vị trí hàng đầu.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, ngành CNTT thế giới sẽ có những sự thay đổi rất nhanh chóng. Ngành CNTT nói chung và CNPM chắc chắn là lợi thế của Việt Nam trong tương lai. CNTT rất phù hợp với tố chất của con người Việt Nam vốn sáng tạo và thông minh. Vì vậy trong thời gian tới Bộ GD-ĐT và Bộ TTTT sẽ phải phác họa chính xác bức tranh về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, sớm nghiên cứu thành lập một đơn vị đầu mối đủ mạnh để chuyên thực hiện việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng đòi hỏi rất lớn của ngành CNTT trong thời gian tới.

Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Các trường đại học đều sẵn sàng tham gia đào tạo CNTT, đặc biệt là nhu cầu các DN trong và ngoài nước đều rất cần nguồn nhân lực này. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT cần nhanh chóng có phương án giải quyết vấn đề cung cấp nhân lực để ngành CNTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cần sát sao, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ với những ý tưởng sáng tạo, để trong 3 năm tới, chúng ta đạt được kết quả tốt hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm sau 7 năm nữa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đồng thời đưa ngành CNPM và các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của nền kinh tế.

Theo các báo cáo tại Hội thảo, ngành CNPM và CNTT ở nước ta chỉ đóng góp 0,5% trong GDP; có tới 70% DN quy mô rất nhỏ (dưới 10 người, số vốn dưới 1 tỷ đồng); đa số hoạt động tự phát, chưa tạo ra những định hướng sáng tạo, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường KPMG: Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã lọt vào top 30 thế giới (Canada đứng đầu với 33 điểm, Việt Nam xếp hạng 28 với 9 điểm). Về tốc độ phát triển internet, Việt Nam hiện đứng thứ 18 thế giới, thứ 6 châu Á với 21 triệu người sử dụng internet. Đến năm 2015 dự kiến Việt Nam sẽ có 600.000 chuyên gia về CNTT, năm 2020 con số này sẽ là 1 triệu người.

Theo chinhphu.vn