Đĩa quang học, bộ nhớ NAND flash... là những sản phẩm đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử lưu trữ dữ liệu.
Giấy đục lỗ tròn là hình thức đọc và ghi thông tin đầu tiên trên máy tính. |
Các máy tính đầu tiên từ những năm 1944 thường sử dụng cuộn giấy được đục lỗ (Punched Paper Tape) để làm thiết bị lưu trữ. Máy tính thời đó có thể đọc và ghi được thông tin qua cách sắp xếp lỗ thủng trên giấy. Xem video .
Công nghệ lưu trữ trên băng từ được IBM phát minh. |
Lưu trữ trên giải băng từ (Data on Tape) được IBM phát triển năm 1951 với sản phẩm UNIVAC I. Công nghệ này đã tạo nên một khởi đầu mới và tất cả nền công nghiệp điện toán trong những năm sau đó đều đi theo cách lưu trữ này.
Hình ảnh ổ cứng có dung lượng 2 MB đầu tiên trên thế giới. |
Năm 1963, IBM giới thiệu ổ cứng đầu tiên 1311 với đĩa bên trong có thể tháo rời. Sản phẩm này có thể thay đổi để sử dụng nhiều hộp đĩa khác nhau. Mỗi hộp có kích thước 14 inch và dung lượng đạt 2 MB.
Ổ đĩa mềm với 3 lần thay đổi kích thước (từ phải sang trái). |
IBM thương mại hóa đĩa mềm đầu tiên trên thế giới vào năm 1971. Sản phẩm bao gồm một đĩa dẻo 8 inch được bao bọc bằng lớp nhựa cứng. Khoảng 5 năm sau, Alan Shugart, một trong những người đồng sáng tạo ra đĩa mềm, đã dựa vào công nghệ này để thiết kế ra sản phẩm có kích thước 5,25 inch. Sony là công ty cuối cùng tung ra thị trường đĩa mềm 3,5 inch vào năm 1981, và đây cũng là dạng tiêu chuẩn cho thiết bị này cho đến tận ngày nay.
Băng cassette phát triển mạnh mẽ những năm 1980. |
Băng cassette được Philips thiết kế và phát triển vào những năm 1960. Sản phẩm này có mục đích chủ yếu để lưu trữ âm thanh. Đến năm 1988, chỉ riêng hãng Philips đã bán được hơn 3 tỉ băng cassette.
Đĩa quang học vẫn đang phát triển. |
Đĩa quang học là thiết bị tạo nên sự đột phá trong ngành công nghệ lưu trữ, được phát triển bởi Sony và Philips năm 1982. Đến năm 1985, CD-ROM đầu tiên được đưa ra thị trường. Năm 1988, CD-Recordable (CD-R) được xuất xưởng cho phép người dùng có thể lưu trữ dữ liệu trực tiếp lên sản phẩm này. Trong 25 năm phát triển, đĩa quang học đã có những bước tiến nhảy vọt cho phép sản xuất ra thiết bị có kích cỡ tương đương nhưng khả năng lưu trữ cao hơn như DVD, HD-DVD và Blu-ray.
Ổ lưu trữ Bernoulli Box của hãng Iomega. |
Công ty Iomega bắt đầu bước chân vào thiết bị lưu trữ di động vào năm 1980 với sản phẩm Bernoulli Box, có khả năng lưu trữ từ 10 đến 20 MB dữ liệu. Những phiên bản sau vào năm 1994 cho trữ lượng lên đến 100 MB trên đĩa rộng 3,5 inch. Người dùng lúc đó cảm thấy hài lòng với thiết bị này vì giá thành của nó không quá đắt đỏ và khả năng chứa được nhiều dữ liệu. Tuy nhiên, khi đĩa quang học (có dung lượng lưu trữ lên đến 650 MB) bắt đầu giảm giá thì cũng là lúc sản phẩm của Iomega bắt đầu tụt dốc. Công ty này đã cố gắng đưa ra sản phẩm với dung lượng lớn hơn (750 MB), nhưng vẫn không theo kịp được sự phát triển chóng mặt của đĩa CD và đã dần biến mất trên thị trường.
Hình ảnh bộ nhớ NAND flash phổ biến trên thị trường. |
Toshiba là công ty đầu tiên phát triển bộ nhớ NAND flash vào năm 1980, tuy nhiên, công nghệ này lúc đó chưa được nhiều công ty hỗ trợ. Mãi cho đến năm 1990, NAND flash mới thực sự phát triển do được ứng dụng trên thiết bị máy ảnh. Sản phẩm có khả năng lưu trữ cao nhất trên thị trường hiện nay đạt 128 GB.
Ổ lưu trữ kết nối qua cổng USB ngày càng phát triển. |
Từ năm 1998 đến nay, lưu trữ qua các thiết bị cắm cổng USB đã phát triển vượt bậc, từ các sản phẩm có dung lượng vài chục MB cho đến 1 TB.
Mạng Internet và kết nối không dây đang dần thay thế dạng lưu trữ. |
Mạng nội bộ và Internet đã dần thay thế dạng lưu trữ thông tin trên máy tính. Người dùng bây giờ có thể truy cập vào hệ thống mạng quốc tế tải về những dữ liệu mà không cần phải thông qua các thiết bị lưu trữ khác.
Thế Mạnh (theo PC World)