Tìm hiểu các chế độ máy ảnh

Sau một thời gian để máy chụp tự động, chắc bạn cũng muốn tiến tìm hiểu thêm các chế độ mặc định của máy ảnh.

Tự động luôn là chế độ tối ưu cho những người mới làm quen với nhiếp ảnh. Tuy nhiên, theo thời gian, người chụp cũng nên khám phá dần những chế độ khác của máy ảnh mà có thể ảnh hưởng tới chất lượng ảnh. Từ đó, phát hiện ra những chế độ đặc trưng khá thú vị khác.

Các chế độ trên máy ảnh. Ảnh: Dreamstime.
Tốc độ cửa trập (Shutter) là cơ chế điều khiển cơ hoặc điện, điều khiển màn trập chắn trước cảm biến, cho ánh sáng vào cảm biến trong khoảng thời gian nhanh hay chậm. Tốc độ cửa trập cao (số càng lớn) sẽ bắt dính hình ảnh kể cả chuyển động nhanh. Trong khi tốc độ cửa trập chậm (số càng nhỏ) sẽ làm hình ảnh chuyển động bị vệt mờ và làm cho hình ảnh bị rung.

Độ mở (Aperture) l là khe hở lá thép có thể điều chỉnh to nhỏ để điều tiết lượng ánh sáng vào cảm biến ít hay nhiều. Độ mở rộng (số càng nhỏ) sẽ cho nhiều ánh sáng hơn, làm cho phông nền mờ hơn, trong khi độ mở nhỏ (số càng lớn) sẽ cho ít ánh sáng hơn và phông nền nét hơn.

Bù sáng (Exposure compensation): cho phép bạn tăng hay giảm độ sáng chung của cả bức ảnh. Máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh thông qua việc thay đổi các giá trị độ mở và tốc độ cửa trập.

Giá trị phơi sáng (Exposure value) là độ sáng tuyệt đối của bức ảnh.

Đo sáng (Metering) là tiến trình đo độ sáng của khung cảnh cần chụp. Có nhiều chế độ đo sáng tùy thuộc mỗi máy.

Độ nhạy ISO (ISO Sensitivity) đôi lúc được gọi ngắn gọn là ISO, là sự điều chỉnh cảm biến bắt sáng bao nhiêu ở cùng mức thông số phơi sáng. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhiều (ở cùng một thông số phơi sáng) nhưng cũng sẽ sinh ra càng nhiều nhiễu hạt, dẫn đến chất lượng ảnh bị suy giảm. Tuy nhiên ISO cao có thể đẩy tốc độ cửa trập nhanh hơn ở cùng một thông số độ mở.

Chế độ tự động thông minh, máy có thể phân tích khung cảnh và quyết định áp dụng
các thông số phơi sáng thế nào cho phù hợp nhất với cảnh đó. Ảnh: Panasonic.
Sau khi tìm hiểu một số khái niệm cơ bản, người chụp có thể tiến tới tìm hiểu một số chế độ sau đây

Auto/Auto without flash Tự động/tự động không đè
n

Ở chế độ này, máy ảnh sẽ quyết định tất cả, bạn chỉ việc giớ máy ảnh lên, ngắm và chụp. Tuy nhiên, do máy tự quyết định mọi thông số nên không thể là tối ưu cho mọi hoàn cảnh được, nhất là trong các điều kiện ánh sáng yếu. Một số đời máy hiện nay có thêm chế độ tự động thông minh (Intelligent Auto) cũng giúp cải thiện được nhiều nhược điểm từ các phiên bản trước dù vẫn còn nhiều vấn đề thiếu sót.

Chế độ này sử dụng rất ít, tuy nhiên cũng rất hữu dụng khi chụp ngoài trời ở điều kiện đủ sáng. Hạn chế sử dụng khi ánh sáng yếu, chụp chuyển động hay chụp với ánh sáng nền. Very few.

Hầu như bạn sẽ không điều chỉnh được gì khi để ở chế độ này ngoài việc chỉnh kích cỡ ảnh hay bù sáng.

Tự động thông minh ("Intelligent" Auto)

Hầu hết các máy ảnh đời mới hiện nay đều đã cải tiến chế độ tự động lên tầm cao mới, vì thế thường được gán tên gọi là các chế độ thông minh. Ở chế độ này, máy ảnh có thể phân tích khung cảnh và quyết định áp dụng các thông số phơi sáng thế nào cho phù hợp nhất với cảnh đó. Một số phiên bản có thể áp dụng thêm các tính năng như nhận diện khuôn mặt, hoặc tự động đo sáng và cải tiến giải thuật phơi sáng (như công nghệ D-Lighting của Nikon hoặc i-Contrast của Canon). Các chế độ này thường cho kết quả tốt hơn các chế độ tự động thông thường.

Tự động thông minh khá hữu dụng khi cần chụp nhanh hoặc không biết chỉnh chế độ nào. Chế độ này phù hợp nhất cho ba khung cảnh định sẵn: Chân dung, Phong cảnh và Cận cảnh. Hầu hết máy ảnh đều có thể nhận diện khung cảnh đêm hay ngày, đối tượng chuyển động hay đứng yên... để điều chỉnh theo.

Hầu như bạn sẽ không điều chỉnh được gì khi để ở chế độ này ngoài việc chỉnh kích cỡ ảnh hay bù sáng.

Mặc cảnh (Scene program)


Đây là các chế độ với những thông số đã được thiết lập sẵn cho những cảnh chụp cơ bản hay gặp trong cuộc sống. Ví dụ, chế độ Chân dung (Portrait) sẽ điều chỉnh độ mở lớn nhất có thể (đề làm nhòe phông nền), kích hoạt nhận diện khuôn mặt để canh nét và để ISO ở mức thấp nhất có thể. Các chế độ mặc cảnh này giúp cho máy ảnh không phải tự động "đoán mò", từ đó đưa ra những thông số phơi sáng hợp lý hơn. Trên thực tế có rất nhiều chế độ mặc cảnh với các thiết lập mặc định khá tốt mà không phải người chụp nào cũng nhận ra.

Sử dụng chế độ này khi bạn thường xuyên chụp cùng một thể loại như chuyên chụp nội thất hay chuyên chụp bãi biển, trời tuyết…

Khi để Scene Program, gần như bạn không điều chỉnh được gì ngoài kích cỡ ảnh, bật/tắt đèn…

Lập trình (Program)

Program lập trình tự động đoán hộ các thông số cho người chụp. Máy ảnh sẽ chọn hộ cho người chụp một thông số độ mở và cửa trập, nhưng vẫn cho phép chỉnh đè các thông số mặc định này.

Program khá tương đồng như chế độ tự động hoàn toàn. Điều khác biệt ở chỗ bạn có thể chỉnh thêm được ISO và lựa chọn chế độ đo sáng.

Ở Program, bạn có thể điều chỉnh mọi thứ ngoại trừ độ mở và tốc độ cửa trập.

Ưu tiên tốc độ (Shutter priority)

Ở chế độ này, người chụp có thể đặt giá trị thông số cửa trập và máy ảnh sẽ tự động tính toán độ mở thích hợp cho phù hợp với ánh sáng của khung cảnh.

Sử dụng Shutter Priority khi bạn cần tốc độ nhanh để bắt dính chuyển động (thể thao) hoặc chậm (để chụp hiệu ứng nước chảy, trời đêm…)

Với Shutter priotity có thể điều chỉnh mọi thông số, trừ độ mở.

Ưu tiên độ mở (Aperture priority)

Ở chế độ này, người chụp có thể đặt thông số độ mở ở một giá trị nhất định, máy ảnh sẽ tự động tính toán tốc độ phù hợp vơi điều kiện ánh sáng khung cảnh.

Sử dụng khi bạn cần điều chỉnh khoảng nét giữa tiền cảnh và hậu cảnh, nhất là khi chụp chân dung hay macro (cho đối tượng nét, còn hậu cảnh mờ) hay chụp kiến trúc (tất cả đều nét).

Với Aperture Priority có thể điều chỉnh mọi thông số trừ tốc độ cửa trập.

Chỉnh tay (Manual)


Ở chế độ này người chụp có thể tự điều chỉnh từng thông số tốc độ, độ mở một cách độc lập nhau và máy ảnh sẽ thông báo giá trị phơi sáng mà người chụp thiết lập sẽ khiến cho ảnh tối hay sáng thông qua thang phơi sáng (exposure). Nếu vẫn còn chưa chắc chắn với chế độ chỉnh tay, có thể chuyển về Program để xem máy ảnh tự động điều chỉnh thế nào, từ đó chuyển sang chế độ chỉnh tay để điều chỉnh theo.

Sử dụng Manual khi bạn muốn tự mình điều chỉnh theo ý muốn.

Ở đó, bạn có thể điều chỉnh: Tất cả các thông số.

Bulb

Đây là một dạng chế độ chỉnh tay, cho phép người chụp mở cửa trập bao lâu tùy thích. Khi người chụp bấm nút chụp ảnh, cửa trập sẽ mở và chỉ đóng khi thả tay.

Sử dụng khi bạn muốn chụp đêm tối chẳng hạn vì có thể để thời gian phơi sáng lâu tùy thích, vượt qua cả các thông số định sẵn của máy ảnh.

Ở Buld, bạn có thể điều chỉnh hoàn toàn các thông số.

Chế độ macro. Ảnh: Karbosguide.
Một số chế độ mặc cảnh cơ bản của các máy ảnh du lịch

Chân dung (Portrait): Mục tiêu là lấy nét vào khuôn mặt và làm mờ hậu cảnh. Thông thường chế độ này sẽ chỉnh tiêu cự về khoảng tele trung bình, mở rộng độ mở, kích hoạt chế độ nhận diện khuôn mặt, nụ cười (nếu có), nhận diện màu da, hoặc bật đèn và kích hoạt cơ chế chống mắt đỏ… Nên sử dụng khi chụp ban ngày với ánh sáng tốt, đối tượng đứng yên.

Thể thao (Sports): Chế độ sẽ cố gắng bắt dính đối tượng chuyển động bằng cách tăng tốc độ cửa trập cao nhất có thể, đồng thời tăng cả ISO nếu cần thiết. Các phiên bản tiên tiến hơn có thể kích hoạt thêm cả chế độ chụp liên tục và giải thuật lấy nét bám dính để luôn khóa nét đối tượng định chụp. Cũng chỉ nên chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày tốt, trong các sự kiện thể thao, hoặc có thể chụp trẻ em đang nô đùa.

Macro/Cận cảnh (closeup): Cũng giống như chân dung, chế độ này bản chất là chụp đặc tả nhưng cho đối tượng có kích cỡ nhỏ. Máy ảnh sẽ điều chỉnh hiệu ứng nét tương tự như với chân dung (đối tượng nét, hậu cảnh mờ). Tiêu cự sẽ được chuyển về vị trí có thể lấy nét ở khoảng cách gần nhất. Một số máy ảnh còn có khả năng điều chỉnh cả độ mạnh đèn để tránh đối tượng bị xóa trắng.

Phong cảnh (Landscape): Máy ảnh ở chế độ này sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho các đối tượng trong khung hình càng nét càng tốt, đồng thời kích các màu cơ bản lục, lam và đỏ lên hơn bình thường. Tiêu cự sẽ được máy tự động chuyển về góc rộng, độ mở hẹp và lấy nét ở vô cực. Nên chụp với cảnh thiên nhiên ban ngày.

Chụp đêm (Night)/Phong cảnh đêm (Night landscape): Chế độ này chuyên chụp cho các điều kiện ánh sáng yếu, đồng thời duy trì độ chi tiết ở vùng tối mà lại không làm cháy các chi tiết ở vùng sáng (đèn đường chẳng hạn). Night landscapre tương tự như chế độ chụp phong cảnh ngày, nghĩa là các đối tượng trong ảnh càng nét càng tốt. Vì thế máy ảnh sẽ tự động đẩy ISO lên mức trung bình hoặc cao, tốc độ cửa trập chậm, tắt đèn flash. Tuy nhiên, điều chỉnh này dễ khiến ảnh bị nhiễu hạt và rung. Chỉ nên sử dụng khi cảnh đêm không có đối tượng trung tâm (người) mà chỉ là một quang cảnh thành phố, đường phố chẳng hạn.

Chân dung đêm (Night portrait): Khác chế độ phong cảnh đêm một chút do phải điều chỉnh ánh sáng cân bằng giữa đối tượng trung tâm (gần hơn) trong khi các đối tượng ở xa không bị quá tối. Máy sẽ kích hoạt chế độ nhận diện khuôn mặt, đèn (tùy máy), tăng ISO và giảm tốc độ, tuy nhiên các thông số sẽ được tự động điều chỉnh theo đối tượng thay vì quang cảnh. Night portrait sử dụng khi cần chụp ảnh đêm có đối tượng trung tâm (người hay vật) và đối tượng này phải sáng hơn hậu cảnh.
Theo SoHoa