Xu hướng thị trường online năm 2010


Những nét chính của thị trường online 2009


Trước khi bắt đầu những dự đoán cho năm 2010, có lẽ ta nên nhìn lại đôi chút một số nét tiêu biểu của thị trường online ở Việt Nam năm vừa qua.

Twitter – một dự đoán sai lầm

Cuối năm 2008, tôi đã rất tin tưởng đưa ra dự đoán rằng năm 2009 sẽ là năm phát triển của Twitter hoặc một dịch vụ micro blogging  trong nước nào đó. Tuy nhiên qua thời gian đã chứng tỏ rằng nhận định đó là sai, Twitter đã không phát triển ở thị trường Việt Nam. Cá nhân tôi và những bạn bè của tôi thì sử dụng Twitter rất thường xuyên, tuy nhiên đó chỉ là một cộng đồng không thể gọi là lớn, đa số là những người đang làm việc trong những ngành liên quan đến online hoặc online marketing. Và cho đến nay thì tuy có phát triển nhưng không đáng kể và cộng đồng Twitter ở Việt Nam có thể gọi là dậm chân tại chỗ.

Bức tranh còn ảm đạm hơn với các dịch vụ khác, nếu như đầu năm 2009 nhiều công ty háo hức tung ra những dịch vụ micro blogging dành riêng cho người Việt, ví dụ như: lamgi.com, me.ola.vn, tiutit.com, ibox.fm… Thì chỉ một thời gian ngắn sau đó đa phần các dịch vụ này đều rút lui không kèn không trống.
Với Twitter, câu hỏi đặt ra vì sao Twitter rất thành công trên thị trường thế giới nhưng lại “èo uột” ở Việt Nam?

Ở điểm này ta cần quay lại phân tích về một thói quen tiêu biểu của người dùng online ở Việt Nam, đó là tính “cộng đồng” và “chung thủy” rất cao. Một dịch vụ đã có bạn của mình sử dụng thì mình sẽ sử dụng và một khi đã quen sử dụng một dịch vụ nào thì dù nó có “trời ơi” đôi chút thì vẫn chấp nhận cái “trời ơi” đó chứ không muốn thay đổi. Tiêu biểu cho thói quen này là sự thành công của Yahoo! 360°, dịch vụ này gần như được đại đa số các blogger ở VN sử dụng / và vì có đông người sử dụng nên những người khác dù biết nó có nhiều hạn chế vẫn phải tham gia sử dụng. Với những người đã sử dụng rồi thì dù biết nó dở hơi vẫn không muốn thay đổi, thậm chí cho đến khi Yahoo! VN thông báo sẽ đóng cửa thì có người vẫn tuyên bố sẽ bám trụ đến ngày cuối cùng!

Đây cũng là những tính cách tiêu biểu của người dùng online Việt Nam mà những ai làm online cần lưu ý khi xây dựng cộng đồng.

Quay trở lại với câu hỏi liệu Twitter không thành công có phải là do người Việt không hứng thú với mô hình micro blogging? Tôi cho là không, ngược lại người Việt thậm chí rất thích những chia sẻ ngắn dạng này, từ thời chưa có micro blogging, việc chia sẻ những cảm xúc “ngắn hạn” đã được rất nhiều người thực hiện thông qua status của Yahoo Messenger.

Lý do mà Twitter không thể phát triển chính là vì Facebook. Facebook đã làm rất tốt việc này và Facebook có ưu điểm vượt trội là nó có một cộng đồng rộng lớn hơn Twitter rất nhiều. Do đó Facebook thì ngày một lớn mạnh còn việc phát triển cộng đồng Twitter thì dậm chân tại chỗ thậm chí còn bị thu nhỏ do số lượng không nhỏ người sử dụng chuyển sang Facebook.

Sự ra đi của Yahoo! 360°

Ta có thể khái quát sự kiện Yahoo! 360° bị bức tử dẫn đến một số hệ quả/hậu quả sau:
  • Yahoo! 360° đi để lại một khoảng trống cho mảng weblog, các blogger tứ tán chạy tìm nhà mới.
  • Yahoo! 360° Plus quá nhiều hạn chế không đủ giữ chân người dùng, cộng thêm vào đó là một quá trình chuyển đổi “không gì có thể tệ hơn” của Yahoo! Việt Nam. Kết quả có thể nói 360° Plus đã thất bại trong việc “kế tục” sự thành công của 360°.
  • Điều đó tạo một cơ hội cho các mạng xã hội trong nước mà tiêu biểu có thể kể đến là Zing và YuMe, nhưng tiếc thay những mạng này cũng không thể tận dụng được cơ hội. Mặc cho những tuyên bố (đa phần là PR) từ những dịch vụ này, tôi vẫn cho rằng vẫn còn xa so với thời kỳ huy hoàng của Yahoo! 360°. Điều này không hẳn bởi vì những công ty này đã làm không tốt, mà lý do chính là thói quen của người dùng đã thay đổi, dịch vụ blog đã chiếm quá nhiều thời gian và cần một hình thức mới giúp kết nối nhanh hơn, chia sẻ nhanh hơn. Đó là mô hình Social Network – Mạng xã hội.
  • Cũng chính vì nhu cầu này mà Facebook từ một dịch vụ không mấy tiếng tăm ở thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn đã phát triển với tốc độ cực nhanh. Lý do là vì nó đáp ứng được nhu cầu mới từ những đòi hỏi đã nêu trên. 
 Online Marketing phát triển

Năm 2009 là năm mà gần như tất cả các hãng đều cắt giảm ngân sách Marketing do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Những marketer bắt buộc phải tối ưu hóa số tiền mà mình có. Từ đó dẫn đến việc giảm chi phí cho marketing truyền thống và chuyển sang chi nhiều hơn cho Online Marketing. Năm 2009 đánh dấu nhiều campaign kết hợp online và thậm chí có một số campaign xuất phát hoàn toàn từ online. Đến thời điểm hiện tại thì gần như tất cả những campaign quảng cáo đều ít nhiều có yếu tố online.

Sự sụp đổ của những công ty dot-com Việt Nam

Tiêu đề cho phần này tôi dùng nhại theo sự kiện Sự sụp đổ của các công ty dot-com vào những năm 2000 trên thế giới – Thật ra thì những diễn biến ở Việt Nam chưa đủ quy mô và tính chất để gọi như vậy. Tuy nhiên,  năm 2009 là năm “thanh lọc cơ thể” đối với các dự án dot-com – những dự án có chất lượng thật sự sẽ trụ lại và những dự án chạy theo phong trào, những dự án sao chép ý tưởng sẽ “lên đường”.

Nếu như năm 2008 là năm vàng son của các dự án start-up và cũng là năm mà các quỹ đầu tư hào phóng như những cô tiên xinh đẹp, dẫn đến các dự án online mọc lên như nấm sau mưa. Thì sang năm 2009, với những dạng đầu tư kiểu xây nhà từ nóc, thiếu chiến lược lâu dài, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý… cùng với khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự thắt chặt lại các hoạt động giải ngân của các quỹ đầu tư thì thị trường đã chứng kiến rất nhiều dự án start-up “đội nón ra đi” không cờ không trống. Ngay những công ty “cứng cựa” cũng lâm vào cảnh lao đao khi mà số tiền đầu tư quá lớn trong khi lợi nhuận thu vào lại nhỏ giọt.

Tất nhiên trong năm qua còn khá nhiều những sự kiện khác nhưng có lẽ đành tạm khép lại một số phân tích tiêu biểu của năm 2009 tại đây. 


Nền tảng và xu hướng của thị trường online 2010

Nền tảng

Chúng ta cùng bao quát lại tình hình chung và phân tích của một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến thị trường online tại Việt Nam cho năm tới.

Các sản phẩm Smart-phone ngày càng chiếm số lượng nhiều

Đầu tiên là việc các thiết bị di động thông minh – smart-phone ngày càng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với điện thoại thông thường. Một số nét tiêu biểu sau:
  • Số lượng smart-phone ở Việt Nam tăng trưởng đến gần 150% so với năm trước.
  • Sự xuất hiện đình đám của iPhone, tuy chưa chính thức vào Việt Nam nhưng thị trường Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh và sản phẩm iPhone đang được rất nhiều người – đặc biệt là giới trẻ lựa chọn. Có số liệu cho rằng hiện iPhone chiếm khoảng 30% thị trường smartphone ở Việt Nam (tính theo tỉ lệ 30% của 15% thì iPhone hiện chiếm gần 5% toàn bộ thị trường điện thoại di động, một con số không nhỏ).
  • Với cú hích từ iPhone, các hãng điện thoại lớn liên tục tung ra các sản phẩm smartphone mới. Nokia với dòng N, Samsung với dòng Omnia, Sony Ericsson, HTC cũng không đứng ngoài cuộc. Đặc biệt là HTC gần đây có nhiều động thái tập trung mạnh cho thị trường Việt Nam, một đại diện của HTC còn cho biết doanh số của hãng này ở Việt Nam tăng 500% so với năm trước và chiếm 15% thị trường điện thoại của Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự phát triển của các nhà cung cấp dịch vụ, giá cước ngày càng rẻ và đặc biệt là sự xuất hiện của mạng 3G hứa hẹn thị trường smartphone sẽ ngày càng lấn lướt thị trường.

Chất lượng kết nối internet

Đa số các kết nối internet ở Việt Nam đa phần là tốc độ cao, đặc biệt là ở các đô thị lớn – nơi tập trung đông người dùng internet. Ngày nay khó có thể tìm được một kết nối qua modem 56.6k. Bên cạnh đó là chất lượng kết nối ngày càng được cải thiện, tuy vẫn còn một số phàn nàn tuy nhiên không thể phủ nhận là chất lượng tốt hơn trước rất nhiều. 

Thêm vào đó là các kết nối wifi có mặt ở mọi nơi, có thể nói là Việt Nam là một trong những thiên đường wifi. Các quán cà phê gần như quán nào cũng được trang bị wifi, và đến các trung tâm lớn không khó khăn lắm để tìm một kết nối. Khái niệm online 24/24 đang bắt đầu xuất hiện.

Kinh tế khởi sắc hơn

Việt Nam ta may mắn không bị ảnh hưởng quá trầm trọng từ việc suy thoái kinh tế, nhưng vẫn không tránh khỏi có những tác động nhất định. Như đã nói ở bài trước, năm 2009 các ngân sách marketing của các hãng bị cắt giảm rất nhiều, do đó các hoạt động Online marketing được chú trọng hơn. Từ đó, năm nay tôi cho các hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì, với 2 lý do chính: 1 là các chiến dịch online đã được khởi động sẽ tiếp tục được triển khai các bước khác. Chúng ta đều biết các hoạt động online marketing khi được hoạch định thường là lâu dài chứ không theo dạng campaign ngắn kiểu marketing truyền thống. 2 là tâm lý e ngại ít nhiều đã được dỡ bỏ. Do đó tôi tin là năm nay e-marketing sẽ tiếp tục phát triển.

Đó là sơ bộ một vài nét chính để làm nền tảng để chúng ta đi sâu hơn vào các dự đoán của năm 2010. Trong phần dự đoán này tôi trình bày theo 2 phần chính, phần đầu cho ngành online và phần sau là cho các hoạt động online marketing. 

2 xu hướng chính của ngành online năm 2010

Xu hướng di động

Như đã phân tích, việc ra mắt của mạng 3G vào thời điểm cuối năm nay, tuy chất lượng vẫn còn khá chập chờn nhưng hứa hẹn là một khởi đầu tiềm năng và chắc chắn là các nhà cung cấp sẽ liên tục cải thiện chất lượng. Cộng với sự phát triển của thị trường smartphone. Xu hướng di động sẽ là một trong những xu hướng bắt đầu được tập trung phát triển. Các hình thức truy cập thông tin, thanh toán, giao lưu kết bạn (mạng xã hội) sẽ dần chuyển từ máy tính sang di động. Từ xu hướng này các nhà cung cấp dịch vụ buộc sẽ phải lưu tâm đến yếu tố di động cho các sản phẩm của mình.

Thương mại điện tử

Giữa năm nay, một tin vui cho thương mại điện tử (TMĐT), Paypal thông báo chính thức cho phép tính năng withdraw cho người dùng Việt Nam. Bên cạnh Paypal, những cổng thanh toán khác của nước ngoài cũng bắt đầu để mắt đến thị trường Việt Nam. Gần đây SBI VeriTrans một công ty cung cấp dịch vụ payment gateway hàng đầu ở Nhật Bản đã tổ chức một hội thảo với thông điệp tham vọng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn có các cổng payment gateway trong nước cũng đang được tập trung phát triển như OnePay, FiboPay, onGate…

Ngoài ra, việc các ngân hàng chạy đua đưa ra ngày càng nhiều tiện ích cho các sản phẩm thẻ làm cho số lượng người sử dụng thẻ phát triển với tốc độ rất nhanh. Thẻ ATM hiện nay gần như rất phổ biến và các sản phẩm Debit, Credit Card cũng dần không còn xa lạ với người tiêu dùng.
Những điều trên hứa hẹn một tín hiệu khả quan hy vọng khai thông được chướng ngại bấy lâu nay cản trở thương mại điện tử: vấn đề thanh toán trực tuyến.

Tất cả đều khả quan, tuy vậy tôi cho rằng trong năm 2010, thị trường TMĐT sẽ chỉ dừng lại ở mức đầu tư, triển khai, xây dựng. Tôi không cho rằng sẽ có một dịch vụ TMĐT nào đó sẽ đặt mục tiêu thu hoạch trong năm nay.

Điển hình là một đại gia trong TMĐT: eBay – eBay đã vào Việt Nam thông qua liên doanh với Peacesoft, thời gian qua chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động phát triển của eBay Việt Nam. Paypal (linh hồn của thanh toán trên eBay) đã vào Việt Nam, eBay VN cũng đã phát triển riêng cho mình một cổng thanh toán là nganluong.vn. Tuy nhiên tôi cho rằng khó mà nói năm nay sẽ là một năm thu hoạch của eBay. Cơ sở hạ tầng có không có nghĩa là chúng ta sẽ có ngay một tòa nhà chọc trời. Chúng ta vẫn còn một trở ngại là thói quen tiêu dùng của người Việt, điều này chắc chắn cần thêm một thời gian để giải quyết. Do đó có thể Peacesoft và eBay VN vẫn nên xác định năm 2010 này vẫn là một năm đệm thì hơn.

Thị trường các sản phẩm online

News – ngai vàng vẫn yên vị nhưng cần thêm chiếc vương miện

Nhìn vào các nghiên cứu thống kê, nhu cầu online để đọc tin tức vẫn chiếm vị trí cao. Do đó trong năm 2010 thị trường vẫn không có vị vua nào mới. Các website tin tức vẫn chiếm traffic rất cao.

Tuy nhiên ngoài hình thức đọc tin truyền thống, người dùng sẽ bắt đầu tiếp cận và thích nghi với những hình thức đọc tin mới như: thông qua các trang tin tổng hợp: baomoi.com, tinmoi.vn / thông qua RSS / hoặc qua các trang social bookmarking: linkhay.com, tagvn.com… và đặc biệt như đã phân tích ở bài trước về xu hướng di động, việc tiếp cận thông tin qua các thiết bị di động sẽ bắt đầu phổ biến hơn trong năm 2010.

Game Online – vẫn là hoàng hậu nhưng có thêm một vương phi

Game Online vẫn là thị trường màu mỡ của internet Việt Nam. Số lượng người chơi game ở Việt Nam vẫn rất lớn và người chơi sẽ còn tăng.

Bên cạnh game online với đối tượng người chơi đặc thù, còn có một hình thức game mới rất tiềm năng là social game. Tuy nhiên số phận của social game cũng lận đận theo số phận của social network mà tôi sẽ phân tích ở phần dưới. Social game vừa khởi sắc đã ngắc ngoải theo Facebook, tuy nhiên dù sao cũng đủ để cho các nhà đầu tư thấy đó là một thị trường tiềm năng. Và chúng ta cũng đã chứng kiến một số thành công ban đầu từ những social game của Việt Nam, ví dụ như Nông trại vui vẻ, Nhà hàng vui vẻ… của Zing.

Social Network – vị hoàng tử lận đận

Trong phần 1 chúng ta đã phân tích về sự “thanh lọc” các công ty ICP trong năm 2009, năm 2010 quá trình thanh lọc này sẽ tiếp tục. Các mạng xã hội có đối tượng người dùng phổ thông (mass user: đối tượng người dùng có phân khúc rộng) sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ số phận của các đại gia, tiêu biểu là Facebook.

Những tháng cuối năm 2009, ta đã chứng kiến những trục trặc Facebook, ở đây chúng ta không bàn đến khía cạnh chính trị. Có 2 hướng xảy ra:
  • Facebook sẽ trở lại: với hướng này thì không khó để dự đoán rằng Facebook sẽ trở lại ngai vàng là mạng xã hội lớn nhất ở Việt Nam.
  • Facebook sẽ ra đi mãi mãi: đây sẽ là một cơ hội tốt cho các mạng xã hội ở Việt Nam. Với tình hình hiện tại thì rất có thể Zing sẽ vươn lên thành mạng xã hội lớn nhất ở Việt Nam. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề tuy nhiên xét tổng thể thì Zing vẫn nổi trội nhất với đội ngũ tốt, đầu tư nghiêm túc, chiến lược rõ ràng…

Blog – chia tay cô công chúa bạc mệnh

Trào lưu blog tiếp tục đi xuống và số lượng người viết blog sẽ ngày càng thu hẹp lại trong phạm vi những người viết blog chuyên biệt, chuyên ngành. Blog sẽ còn giữ lại 2 đối tượng chính là những người viết blog chuyên biệt và thứ 2 là giữ vai trò làm kênh giao tiếp của các công ty.

Niche website  – Một vùng đất tiềm năng

Đây sẽ là mảng có tiềm năng nhất trong thời gian tới. Ở Việt Nam có một đặc thù là diễn đàn vẫn là nơi tập trung những cộng đồng có số lượng người dùng lớn, năm 2009 chúng ta đã chứng kiến sự thành công của những cộng đồng đặc thù như vậy: tinhte.com cho lĩnh vực high-tech, otosaigon.com cho ô tô, vnphoto, xomnhiepanh cho cộng đồng nhiếp ảnh, webtretho cho cộng đồng các bà mẹ…

Do cộng đồng mass user rất khó bao quát và trong cái đại dương đỏ ấy đã có những đại gia lớn “trấn thủ”. Do đó tôi cho rằng đầu tư cho thị trường niche sẽ là một cách đầu tư hiệu quả nhất cho các công ty start-up. Cách đầu tư dàn trải hàng loạt sản phẩm nhắm đến thị trường mass có nhiều rủi ro và thực tế đã chứng kiến nhiều công ty vẫn còn lận đận với cách đầu tư này ở thị trường Việt Nam. 

Các xu hướng của online marketing
  • Các campaign quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục được ứng dụng/kết hợp với online.
  • Display ads vẫn chiếm một tỉ trọng đáng kể.
  • Vị vua sẽ quay trở lại: E-mail Marketing, đây là một mảng được ứng dụng từ rất lâu và có thời gian được đánh giá là không hiệu quả. Tuy nhiên cùng với trào lưu mới kết hợp với những cách ứng dụng mới trong việc sử dụng email marketing, tôi tin hình thức này sẽ trở lại là một trong những kênh CRM hiệu quả.
  • Dù muốn dù không, SEO sẽ phải được chú trọng hơn. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những kênh thu hút traffic hiệu quả nhất cho website.
  • Gần đây trên thị trường thế giới xuất hiện một xu hướng mới, tuy thầm lặng nhưng lại tiềm ẩn những tính chất làm chúng ta phải để tâm đến: xu hướng real time. Google, Facebook, và nhiều dịch vụ khác cũng đã bắt đầu tập trung vào hướng này.

Những hoạt động tiềm năng khác của online marketing

  • Khái niệm OnlinePR hay WebPR sẽ bắt đầu có mặt thường xuyên hơn trong kế hoạch của các PR manager.
  • Viral Content Campaign – chúng ta không ai phủ nhận sự hiệu quả của hình thức online marketing này, tuy nhiên cho đến nay thị trường vẫn chưa chứng kiến một hoạt động viral đáng chú ý nào. Hy vọng năm 2010 chúng ta sẽ được chứng kiến những campaign như vậy.
  • SEM – Đây có thể không phải là một xu hướng nhưng tôi tin rằng rồi SEM sẽ được chú trọng nhiều hơn trong năm nay. Chúng ta thường tập trung cho SEO nhiều hơn và đôi khi bỏ quên SEM, nếu hai hình thức này được kết hoạt một cách hiệu quả thì sẽ mang lại tác động cộng hưởng rất tốt. Theo một số thông tin thì hiện Google cũng đang bắt đầu có những kế hoạch tập trung mạnh hơn cho thị trường SEM ở Việt Nam.

(Nguồn blog.ngochieu.com)